http://vnra.gov.vn/van-ban
Ngày cập nhật : 08/01/2014
Quyết tâm đổi mới đường sắt Việt Nam

Hôm qua (7/1), tại cuộc họp về tái cơ cấu toàn diện Tổng công ty, ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty  Đường sắt VN đã gây bất ngờ khi khẳng định: “Tôi sẽ từ chức nếu đường sắt không thực sự đổi mới trong năm 2014”.

Tách bạch hạ tầng và kinh doanh vận tải

Tại cuộc họp này, gần như toàn bộ các ý kiến phát biểu đều cho rằng quản lý hạ tầng và kinh doanh vận tải cần được tách bạch rõ ràng, tránh tình trạng hạch toán lẫn lộn như hiện nay. Ông Nguyễn Hữu Thắng - Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho rằng, Luật Đường sắt quy định phải phân định rõ quản lý Nhà nước với quản lý kinh doanh của doanh nghiệp; giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải trên đường sắt do Nhà nước đầu tư. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố và chưa có hướng dẫn cụ thể nên chưa thực hiện được. Ông Thắng nói, việc tách bạch này mang lại nhiều lợi ích cho Nhà nước thông qua nhượng quyền khai thác, Nhà nước không phải bỏ vốn đầu tư và kêu gọi được xã hội hóa. 

Bà Trịnh Thị Hằng Nga - Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, Luật đã quy định rõ, tuy nhiên để thực hiện được phải kiến nghị sửa đổi văn bản Tổ chức hoạt động của TCT Đường sắt VN.
 
Phá thế độc quyền

Ở một góc nhìn khác, ông Đỗ Văn Quốc - Vụ trưởng Vụ Tài chính nhấn mạnh ngành Đường sắt đang độc quyền trong kinh doanh vận tải, khiến đường sắt trì trệ. Ông Quốc đề xuất nên sáp nhập luôn cả Liên hiệp sức kéo đường sắt, hệ đầu máy vào khối vận tải để gọn nhẹ bộ máy và dễ quản lý.

Vụ trưởng Vụ Vận tải Khuất Việt Hùng lại cho rằng, tiềm năng cạnh tranh vận tải hàng hóa rất lớn. Tuy nhiên, do có nhiều khâu trung gian, trì trệ trong tổ chức sản xuất nên bị mất thị phần. “Đổi mới vận tải hàng hóa phải quyết liệt trên quan điểm không dùng vốn ngân sách, mà phải tiến tới xã hội hóa để cạnh tranh”- ông Hùng nói.

Cũng ủng hộ đẩy mạnh cổ phần hóa, ông Phạm Thanh Tùng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế lấy ví dụ, Campuchia đã cổ phần hóa doanh nghiệp vận tải đường sắt, nhượng quyền khai thác, còn Nhà nước chỉ quản lý, bảo trì cơ sở hạ tầng và đã phát triển rất mạnh. 

Góp thêm ý kiến vào các giải pháp đổi mới đường sắt, ông  Đỗ Nga Việt - Chủ tịch Công đoàn ngành GTVT nêu ý kiến: Vận tải đường sắt chưa thuận tiện, chưa kết nối tốt với các khu công nghiệp nên sức cạnh tranh thấp. Đây là vướng mắc cần tháo gỡ. 
 
An toàn là một trong những mục tiêu đổi mới đường sắt
An toàn là một trong những mục tiêu đổi mới đường sắt

Toàn ngành tập trung đổi mới đường sắt

Ông Phạm Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính nhìn nhận: “Thu hút vốn đầu tư vào đường sắt hiệu quả đang thấp, cần nâng cao dịch vụ, đổi mới hoạt động, cung cách quản lý để tăng thu hút đầu tư. Mỗi năm vốn sự nghiệp kinh tế cấp cho Tổng công ty đều tăng. Riêng 2014 rất khó khăn nhưng vẫn tăng khoảng 7%. Đây là lợi thế để Tổng công ty phát triển”.

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, lãnh đạo Tổng công ty vẫn nặng tâm lý coi mình là Bộ Đường sắt chứ không phải là doanh nghiệp. Cần phải bỏ ngay tư duy này và quán triệt trong toàn thể cán bộ, công nhân viên thì mới phát triển được. 

Bộ trưởng tỏ rõ quan điểm: “Chỉ ra những điểm yếu của đường sắt không khó nhưng cái quan trọng là phải cùng ngành Đường sắt tập trung đổi mới, tái cơ cấu. Trong năm nay, toàn ngành GTVT phải tập trung để đổi mới đường sắt”. Bộ trưởng cho biết, sẽ thay Ban Chỉ đạo tái cơ cấu bằng Ban Đổi mới toàn diện Tổng công ty. Ban Đổi mới sẽ làm việc với Tổng công ty ít nhất một lần/tháng. Mục tiêu đặt ra là đường sắt phải Thuận tiện - Đúng giờ - An toàn - Hiệu quả và làm khách hàng hài lòng.
 
Bộ trưởng Đinh La Thăng:
Tổng công ty đang thiếu khát vọng đổi mới

Tại cuộc họp đổi mới toàn diện Tổng công ty Đường sắt VN, Bộ trưởng khẳng định: Tới đây, nhiều dự án đường bộ sắp hoàn thành, các hãng hàng không giá rẻ liên tục phát triển sẽ khiến thị phần hành khách đi tàu hỏa sụt giảm. Nếu không đổi mới, đường sắt ngày càng tụt hậu. Nhưng đường sắt không thể tụt hậu, mà phải phát triển, là trục xương sống trong vận tải.

Bộ trưởng ghi nhận sự cương quyết của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Trần Ngọc Thành khi cam kết sẽ từ chức nếu không đổi mới được đường sắt. Đồng thời yêu cầu các Cục, Vụ của Bộ tập trung hoàn thiện văn bản, thể chế chính sách, rà soát, tổng kết Luật Đường sắt, bổ sung Thông tư, Nghị định còn thiếu để thực hiện ngay. Theo đó, quản lý hạ tầng và kinh doanh vận tải sẽ được tách riêng, tập trung cổ phần hóa và kêu gọi các thành phần khác cùng tham gia  đầu tư, kinh doanh đường sắt, tiến tới không dùng vốn ngân sách. Áp dụng công nghệ vào quản lý điều hành, bán vé tự động, tuần đường... để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả quản lý, tăng lương cho người lao động, giảm giá vé tàu, giảm chi phí nhiên liệu, nâng cao chất lượng dịch vụ để tăng sức cạnh tranh. Tại các ga chính như: Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn, cần nâng cao đường ke ga bằng sàn tàu... để hành khách bớt vất vả khi lên xuống tàu.

Bộ trưởng cũng cho biết, ngành Đường sắt còn nhiều tồn tại trong thời gian qua cũng một phần có lỗi từ Bộ GTVT, từ Ban Cán sự và cơ quan chức năng của Bộ thiếu quyết liệt trong chỉ đạo. “Không thể đổ lỗi cho yếu tố lịch sử 100 năm của đường sắt, mà phải nhìn nhận vào những khuyết điểm để đổi mới” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
 
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông:
Thí điểm khai thác nhượng quyền

Đề án tái cơ cấu đã được duyệt từ tháng 1 nhưng phải đến tháng 8/2013, Tổng công ty mới trình được kế hoạch sáp nhập khối vận tải và một vài lĩnh vực khác. Công tác thoái vốn, tiến độ cổ phẩn hóa các doanh nghiệp cũng chậm. Nguyên nhân do chỉ đạo điều hành chưa quyết liệt. 

Tổng công ty cần có thứ tự ưu tiên các dự án để có kế hoạch vốn, đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả dự án. Một vài tuyến đường sắt có thể thí điểm khai thác nhượng quyền. Hiện có nhiều Ban QLDA đường sắt, cần tinh giản lại.
 
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp:
Đưa công nghệ vào quản lý gác chắn

TNGT đường sắt giảm, nhưng thiệt hại tài sản do TNGT và sự cố đường sắt lại lớn. Nhiều vụ TNGT đường sắt chưa biết trách nhiệm của ai, ai sẽ phải bồi thường? Rất cần làm rõ việc này bằng các văn bản pháp luật quy định rõ quy trình, trách nhiệm, nguyên nhân. Hơn nữa, mỗi năm đường sắt tốn cả nghìn tỉ đồng để chi cho gác chắn. Theo tôi, cần áp dụng công nghệ hiện đại bảo đảm an toàn đường ngang để giảm bớt gác chắn, tránh lãng phí.
 

 

Theo Báo GTVT