http://vnra.gov.vn/van-ban
Ngày cập nhật : 29/07/2015

Để ngành GTVT hoàn thành nhiệm vụ chính là việc thực hiện công khai dân chủ trong Đảng, mọi hoạt động của Bộ GTVT.

 

 

 

Các đại biểu biểu quyết thông qua chương trình Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ GTVT lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015 - 2020 tại phiên họp trù bị chiều qua 27/7

Trả lời phỏng vấn Báo Giao thông, Phó Bí thư Ban Cán sự, Phó Bí thư Đảng ủy Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, mấu chốt để ngành GTVT những năm qua đạt được thành quả, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao phó chính là việc thực hiện công khai, dân chủ trong Đảng và mọi hoạt động của Bộ GTVT.

 

 

Đảng đã thể hiện được bản lĩnh lãnh đạo

Với phương châm quyết liệt đổi mới, vì người dân và doanh nghiệp, những năm qua ngành GTVT đã thu được những kết quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực, được nhân dân ghi nhận. Thứ trưởng đánh giá thế nào về vai trò của Đảng trong công cuộc đổi mới này tại Bộ GTVT nhiệm kỳ qua?

Trước hết tôi muốn nói rằng, nhiệm kỳ vừa qua (2010 - 2015) là khoảng thời gian khó khăn của ngành GTVT nói riêng và của cả nước nói chung. Tình hình kinh tế thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp đã tác động bất lợi đến nước ta. Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, hàng trăm công trình giao thông phải dừng, đình hoãn, giãn tiến độ, ảnh hưởng lớn đến việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Vốn cho đầu tư xây dựng mặc dù đã được huy động ngoài ngân sách Nhà nước với khối lượng lớn nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu cho các mục tiêu xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đã đề ra. Nguồn vốn ODA ngày càng giảm sút. Các hình thức huy động vốn khác cũng hạn chế do ảnh hưởng đến quy mô trần nợ công.

Trong lĩnh vực đường bộ, tình trạng xe quá tải chưa được kiểm soát chặt, nên hạ tầng nhiều nơi bị hư hỏng, đã làm giảm năng lực lưu thông và tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT…

Hiện nay, Đảng bộ Bộ GTVT có 52 tổ chức Đảng, trong đó có 31 Đảng bộ và 21 Chi bộ trực thuộc với trên 9.600 đảng viên ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, DN công ích thuộc Bộ. Theo báo cáo chính trị của Đảng bộ Bộ GTVT, trong nhiệm kỳ qua Đảng bộ Bộ GTVT đã xây dựng và ban hành 17 chương trình hành động, 5 chỉ thị, 25 kế hoạch, 25 văn bản hướng dẫn và các nghị quyết khác. Cũng trong thời gian qua, Đảng bộ Bộ gtvt đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 và Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Những kết quả đạt được của Đảng bộ tương đối toàn diện, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từng bước trở thành nhiệm vụ thường xuyên của tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị; tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức về trách nhiệm, hiệu quả, tận tụy với công việc hơn.

Khó khăn rất nhiều, nhưng không phải thấy khó khăn là tránh né, là lùi bước. Thực tế, Đảng ủy đã phối hợp chặt chẽ với Ban Cán sự Đảng bộ Bộ GTVT, nhận định và phân tích những khó khăn, tìm các giải pháp tích cực.

Biến khó khăn thành cơ hội là cách mà ngành GTVT dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Bộ, của Ban Cán sự Đảng bộ để vượt khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị.

Cụ thể, để giảm bớt khó khăn về tài chính, khắc phục những tồn tại, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN, Đảng uỷ Bộ, Ban Cán sự Đảng bộ đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong đó trước hết là việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Thực tế, xây dựng văn bản QPPL luôn là nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất của quản lý Nhà nước.Trong khi đó, nhiều năm liền TNGT giảm cả 3 tiêu chí, lần đầu tiên sau nhiều năm kéo giảm được số người chết xuống dưới 9 nghìn.

Kế đó, Bộ đã xem xét điều chỉnh tăng vốn điều lệ, quyết liệt tái cơ cấu DN, đẩy mạnh CPH doanh nghiệp; Đẩy nhanh tiến độ các dự án, ưu tiên giao công trình cho các DN có năng lực của Bộ thực hiện để tạo công ăn việc làm, đảm bảo thu nhập cho người lao động; Chỉ đạo đẩy mạnh công tác nghiệm thu, thanh quyết toán, giải quyết nợ đọng trong xây dựng cơ bản, tạm ứng vốn; Tăng cường quản lý vận tải… Bộ nhiều lần tổ chức đối thoại với DN để lắng nghe ý kiến và kịp thời tháo gỡ khó khăn với mục tiêu vì sự hài lòng hơn của người dân và DN. Đến nay, tình hình đời sống việc làm của người lao động tại đa số các DN đã dần được ổn định, tình hình tài chính của các DN thuộc Bộ từng bước đã lành mạnh hơn.

Việc đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình được Đảng ủy Bộ, Ban Cán sự Đảng bộ xác định là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng. Thống kê cho thấy, từ 2010 - 2015, Bộ GTVT đã kêu gọi, huy động vốn đầu tư ngoài NSNN được hơn 161 nghìn tỷ đồng cho 68 dự án.

Cùng đó, Bộ cũng đã hoàn thành đưa vào khai thác gần 200 công trình, dự án; nhiều công trình, dự án trọng điểm trên toàn quốc hoàn thành đưa vào khai thác như: Đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Nội Bài - Lào Cai, Nhật Tân - Nội Bài, đường Vành đai 3 trên cao... Nhà ga T2 Cảng HKQT Nội Bài, Tân Sơn Nhất và các cầu lớn: Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Năm Căn, Cổ Chiên… Đặc biệt, tại các dự án nâng cấp mở rộng QL1 từ Thanh Hoá đến Cần Thơ, đã hoàn thành và đưa vào khai thác 19/40 dự án gồm các đoạn từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, đoạn qua các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Ninh Thuận, Bình Thuận;… Hoàn thành vượt tiến độ, thông xe, đưa vào khai thác toàn bộ tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên từ Kon Tum đến Bình Phước…

Đến thời điểm này, tôi có thể tự tin khẳng định, Đảng ủy Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với tình hình, đặc điểm của ngành; đã thể hiện được bản lĩnh lãnh đạo, tính đoàn kết, thống nhất trong đội ngũ đảng viên.

Phiên họp trù bị chiều 27/7 đã biểu quyết thông qua Đoàn Chủ tịch Đại hội đại biểu lần thứ XVIII Đảng bộ Bộ GTVT

Không ai được đứng ngoài “phê và tự phê”

Còn việc thực hiện dân chủ trong Đảng ở Bộ GTVT được triển khai như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Trước hết phải khẳng định, thực hiện dân chủ là yêu cầu nội tại trong sự phát triển của Đảng. Thực hành dân chủ trong Đảng cũng là nguyện vọng chính đáng của đông đảo cán bộ, đảng viên. Và chỉ có như vậy, sáng kiến và trí tuệ trong Đảng mới được phát huy, mới tạo ra sự đoàn kết và sức mạnh của Đảng.

Đảng ủy Bộ GTVT luôn quán triệt tư tưởng tới từng cấp ủy Đảng trực thuộc về việc người chủ trì phải phát huy dân chủ cao nhất, chỉ đạo điều hành cởi mở, tôn trọng những ý kiến phê bình, chất vấn mang tính xây dựng, đúng đắn của cán bộ, đảng viên; kịp thời xử lý nghiêm minh những cá nhân vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Trong suốt thời gian qua, Bộ GTVT luôn triển khai nghiêm túc, kiên trì, mạnh mẽ và có hiệu quả Nghị quyết T.Ư4, gắn với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị.

Đảng uỷ Bộ GTVT, Ban cán sự Đảng Bộ GTVT luôn công khai minh bạch các hoạt động, các vấn đề bàn thảo. Thực tế, hàng tháng, Ban cán sự Đảng Bộ đều họp mở rộng bàn công khai các chủ trương, chính sách. Khi đã bàn và quyết vấn đề gì là triển khai quyết liệt đến cùng”. 

Thực tế, việc thực hành dân chủ tại Bộ GTVT đã giúp cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động nhận thức cơ bản đầy đủ hơn về trách nhiệm của cơ quan, đơn vị và cá nhân; nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; góp phần mở rộng dân chủ trong đơn vị và trong tổ chức Đảng; kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, tiến tới xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng giúp ngành GTVT đạt nhiều thành tích trên các lĩnh vực thời gian qua, được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đánh giá cao và nhân dân ghi nhận.

Tôi cho rằng, công khai cũng là một yếu tố quan trọng, là “bí quyết” để ngành GTVT thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ. Đảng ủy Bộ GTVT, Ban Cán sự Đảng bộ Bộ GTVT luôn công khai minh bạch các hoạt động, các vấn đề bàn thảo. Thực tế, hàng tháng, Ban Cán sự Đảng bộ đều họp mở rộng bàn công khai các chủ trương, chính sách. Khi đã bàn và quyết vấn đề gì là triển khai quyết liệt đến cùng.

Cùng với nguyên tắc tập trung dân chủ, Đảng ủy Bộ GTVT luôn chú trọng thực hiện nghiêm chế độ tự phê bình và phê bình. Không một cá nhân nào được đứng ngoài sinh hoạt tự phê bình và phê bình. Người đứng đầu càng phải gương mẫu tự phê bình và phê bình.  

Phòng chống tham nhũng hiệu quả

Là ngành sử dụng vốn đầu tư rất lớn, nhưng nhiệm kỳ qua không phát hiện trong ngành GTVT vụ tham nhũng, tiêu cực lớn nào. Điều đó thể hiện vai trò của Đảng trong việc ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực khá hiệu quả, thưa Thứ trưởng?

Phải nói rằng ngành GTVT là một trong những ngành có nhiều công việc tiềm ẩn nguy cơ mà nếu không có giải pháp, bất kể chỗ nào cũng có thể nảy sinh tham nhũng, tiêu cực. Cũng vì thế, công tác phòng chống tham nhũng luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ GTVT, được Đảng ủy Bộ GTVT, Ban Cán sự Đảng bộ đặc biệt coi trọng. Thực tế, Đảng ủy Bộ GTVT đã luôn phối hợp với Ban Cán sự Đảng bộ Bộ GTVT lãnh đạo, chỉ đạo ban hành nhiều chương trình hành động, nhiều văn bản phòng chống tham nhũng. Bên cạnh đó, Đảng ủy Bộ thực hiện nhiều biện pháp công khai, minh bạch để phòng chống tham nhũng; Xây dựng, hoàn thiện thể chế phòng chống tham nhũng tại Bộ GTVT.

Bộ GTVT thường xuyên tuyên truyền công tác phòng chống tham nhũng trong cán bộ, công nhân viên; Ban hành Chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, tập trung một số nội dung có nguy cơ phát sinh như công tác đầu tư xây dựng cơ bản, sử dụng vốn sự nghiệp, mua sắm tài sản công, quản lý hoạt động xe khách, xe tải, đào tạo lái xe, đăng kiểm... Phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách, trọng tâm, thường xuyên và lâu dài.

Việc chống tham nhũng tại Bộ GTVT luôn được đặt trong sự lãnh đạo toàn diện của Ban Cán sự, Đảng ủy Bộ, là nhiệm vụ triển khai thường xuyên, hàng tháng của Bộ, các đơn vị.

Để ngăn ngừa, phòng chống tham nhũng, Đảng ủy Bộ GTVT luôn xác định thanh tra, kiểm tra là nội dung quan trọng. Từ năm 2010-2014, Thanh tra Bộ đã triển khai thực hiện tổng số 95 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính và chuyên ngành. Công tác thanh tra tập trung đối với các lĩnh vực xây dựng cơ bản; tài chính doanh nghiệp; công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế và đặc biệt là những mảng công việc nóng như kiểm soát tải trọng phương tiện, bảo đảm trật tự ATGT, điều kiện kinh doanh vận tải…

Xây dựng lớp đảng viên tiên phong, gương mẫu

Nhiệm kỳ tới, Đảng ủy Bộ GTVT đề ra phương hướng thế nào để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo ngành GTVT phát triển, tạo đột phá về hạ tầng giao thông như Nghị quyết T.Ư đã đề ra, thưa Thứ trưởng?

Đảng ủy Bộ GTVT xác định phương hướng tổng quát của Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020 là “Phát huy truyền thống 70 năm đi trước mở đường, tiếp tục đổi mới, quyết liệt cải cách, đồng tâm hiệp lực, vượt mọi khó khăn thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của toàn ngành, xây dựng Đảng bộ Bộ GTVT trong sạch, vững mạnh”.

Cụ thể, về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, cơ bản hoàn thiện hệ thống pháp luật về QLNN chuyên ngành GTVT; hệ thống GTVT nước ta cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải của xã hội, đảm bảo chất lượng ngày càng được nâng cao, giá thành hợp lý; kiềm chế, tiến tới giảm dần TNGT và mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường. Về tổng thể, hình thành được một hệ thống GTVT hợp lý giữa các phương thức vận tải, phát triển một cách đồng bộ, từng bước tiến tới hiện đại nhằm góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Về công tác xây dựng Đảng, mục tiêu là phải xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng phải nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, thực sự đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, xả thân vì công việc, quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!