http://vnra.gov.vn/van-ban
Ngày cập nhật : 14/08/2015
Gặp mặt hơn 100 cán bộ khoa học ngành GTVT qua các thời kỳ

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phát biểu khai mạc buổi gặp mặt.

Phát biểu khai mạc buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết: “Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, ngành GTVT thấm nhuần lời dạy của Bác “Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ”, lớp lớp các thế hệ đã phấn đấu không ngừng cho sự nghiệp phát triển GTVT. Với vai trò “đi trước mở đường”, GTVT luôn đi đầu trong mọi thời kỳ, cho dù là thời điểm khó khăn nhất của đất nước cũng như trong giai đoạn phát triển kinh tế hiện nay.

Chúng ta không thể nào quên được hình ảnh người công nhân mở đường với những công cụ thô sơ, điều kiện vật chất thiếu thốn, nhưng với tinh thần đoàn kết, lòng dũng cảm và ý chí, quyết tâm “Tim có thể ngừng đập nhưng giao thông không thể tắc ”đã tạo nên những kỳ tích anh hùng của ngành GTVT trong thời kỳ khó khăn của đất nước.

Từ ngày thành lập đến nay, các thế hệ cán bộ, công chức, công nhân, trong đó có đội ngũ những người làm công tác khoa học công nghệ (KHCN) của ngành GTVT Việt Nam, vẫn với tinh thần, ý chí đó đã đi khắp mọi miền đất nước, xây lên những công trình giao thông hiện đại, mở ra nhiều tuyến đường mới, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, KHCN luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước xác định giữ vai trò then chốt, quyết định năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế - xã hội, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Suốt chiều dài truyền thống 70 năm xây dựng và phát triển rất đáng tự hào của ngành GTVT, hoạt động KHKT trước đây và hoạt động KHCN hiện nay luôn được coi trọng như một trong những công tác ưu tiên hàng đầu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, sản xuất, phục vụ chiến đấu của Ngành.

Bộ trưởng Đinh La Thăng và nhiều lãnh đạo qua các thời kỳ của Bộ GTVT đã đến dự buổi gặp mặt.

Các thành tựu của công tác nghiên cứu, phát triển KHKT, KHCN trong ngành GTVT 70 năm qua gắn liền với các giai đoạn lịch sử của đất nước và lịch sử phát triển của ngành GTVT qua các thời kỳ:

Giai đoạn 1945-1954, phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp. Hoạt động KHKT tập trung góp sức giải quyết các nhiệm vụ: khoa học tổ chức vận tải hợp lý với những phương tiện hết sức thô sơ vận chuyển quân, lương; các sáng kiến kỹ thuật để mở đường phục vụ các chiến dịch. 

Giai đoạn 1954-1964, trong 10 năm, KHKT đã đóng góp lớn trong công cuộc xây dựng và khôi phục lại những tuyến đường sắt chính là Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội – Thái Nguyên. Nhiều cây cầu mới, con đường mới, sân bay có tính huyết mạch cũng đã được mở mang xây dựng. Trong thời kỳ này, công tác nghiên cứu, ứng dụng KHCN cũng tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu sửa chữa, đóng mới đầu máy xe lửa; nghiên cứu thiết kế, thi công cầu BTCT DƯL (nhịp 20m); chế tạo mô hình ụ nổi xi măng lưới thép; nghiên cứu, ứng dụng vật liệu (bảo vệ chống gỉ cầu thép, bảo vệ công trình, kỹ thuật làm đường, làm đường nông thôn, cầu nông thôn,...).

Trong giai đoạn chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ và chi viện cho đấu tranh giải phóng miền Nam (1964 - 1975), công tác nghiên cứu và ứng dụng KHCN tập trung vào các vấn đề nhằm “đảm bảo giao thông vận tải thông suốt trong mọi tình huống”. Kết quả nổi bật trong giai đoạn này là: Nghiên cứu hệ cầu dây cáp và cầu treo; Thiết kế, thi công cầu BTCT DƯL (Cầu Bía: nhịp 50m); ứng dụng kết cấu xi măng lưới thép làm vỏ tàu thuyền vận tải, cầu phao; xây dựng một bước hệ thống tiêu chuẩn cho thiết kế, xây dựng cầu đường; nghiên cứu phát triển cơ khí sửa chữa, chế tạo ô tô chạy trên đường ray kéo tàu hỏa, nghiên cứu công cụ phá thủy lôi do địch phong tỏa các cảng lớn Miền Bắc…

Giai đoạn 1975 – 1985, các nghiên cứu ứng dụng KHCN đóng góp tích cực trong khôi phục hệ thống hạ tầng giao thông vốn bị tàn phá nặng nề do chiến tranh, đồng thời khai thông hệ thống vận tải đường sắt, đường thủy. Đây cũng là thời kỳ chúng ta xây dựng cầu Thăng Long, khôi phục tuyến đường sắt Bắc Nam, xây dựng cầu Chương Dương.

Trong thời kỳ đổi mới, KHCN đã có đóng góp quan trọng và phát triển mạnh mẽ. Đây là giai đoạn có mọi điều kiện đều tốt hơn để hợp tác nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ từ các nước ngoài vào Việt Nam. Nhiều công nghệ mới, hiện đại như: Công nghệ xây dựng cầu đường xu hướng ngày càng hiện đại hơn (cầu dây văng, cầu liên tục BTCT, đường bộ cao tốc, cảng biển, sân bay…), công nghiệp đóng tàu, đầu máy, toa xe thế hệ mới, hệ thống ITS, công nghệ thông tin… đã được triển khai ứng dụng phục vụ đắc lực công tác quản lý Nhà nước, chỉ đạo, điều hành sản xuất của Ngành mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, những thành tựu nêu trên đều có sự đóng góp to lớn về tâm huyết, lao động trí tuệ không mệt mỏi với nhiệt tình cách mạng, ý thức trách nhiệm cao, vượt qua mọi khó khăn của độ ngũ những người làm khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong ngành GTVT. Đồng thời, qua các giai đoạn phát triển KHCN của ngành các nhà khoa học, chuyên gia càng khẳng định vai trò, vị thế ngành GTVT.

Thực hiện chủ trương, định hướng phát triển KHCN, Bộ GTVT đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành GTVT giai đoạn 2014 – 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó cụ thể hóa các mục tiêu cho từng giai đoạn, các nhiệm vụ cụ thể và lộ trình triển khai thực hiện trong các lĩnh vực của ngành.

 

 Nguồn: Báo Giao thông