http://vnra.gov.vn/van-ban
Ngày cập nhật : 20/11/2015
Hàn Quốc muốn chuyển giao công nghệ đường sắt tốc độ cao cho VN

Chiều ngày 3/11, tại Seoul, Hàn Quốc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã có cuộc họp song phương với Thứ trưởng Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng và GTVT (MOLIT) Hàn Quốc Kim Kyung - Hwan.

14
Trong buổi họp song phương với thứ trưởng Kim Kyung - Hwan ngày 3/11, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đánh giá hợp tác phát triển kết cấu hạ tầng GTVT là lĩnh vực hợp tác sôi động nhất giữa hai nước 

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cảm ơn lời mời của MOLIT về việc tham dự Hội nghị đường bộ thế giới lần thứ 25 cũng như đã dành thời gian làm việc với đoàn Bộ GTVT Việt Nam.

Thứ trưởng đánh giá cao những thành tựu hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốctrong thời gian qua đang ngày càng thực chất và toàn diện hơn, đặc biệt từ khi lãnh đạo cấp cao hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2009.

“Hợp tác phát triển kết cấu hạ tầng GTVT là lĩnh vực hợp tác sôi động nhất giữa hai nước trong thời gian vừa qua. Hàn Quốc đã tài trợ hàng tỷ USD cho các dự án hạ tầng giao thông”, Thứ trưởng nhấn mạnh và cho biết, nhiều công trình sử dụng vốn ODA của Hàn Quốc đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, đóng góp tích cực cho phát triển KT-XH của Việt Nam như dự án cải tạo nâng cấp QL18 đoạn Chí Linh - Biểu Nghi (36 triệu USD); Xây dựng cầu Vĩnh Thịnh (100 triệu USD); Hệ thống giao thông thông minh (ITS) cao tốc TP HCM - Trung Lương (30 triệu USD).

5 dự án khác sử dụng vốn Hàn Quốc đang triển khai gồm: Xây dựng cầu Vàm Cống; Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; Đường dẫn đầu cầu Vàm Cống; Xây dựng cầu Hưng Hà và Dự án xây dựng cầu Thịnh Long.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đề nghị MOLIT kiến nghị Chính phủ Hàn Quốc tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông quan trọng sử dụng vốn Hàn Quốc tại Việt Nam như: Dự án đường Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc Vành đai 3 - TP HCM (200 triệu USD); Dự án tín dụng ngành xây dựng các cầu kết nối các quốc lộ (100 triệu USD); Dự án cải tạo đèo Khe Nét (Km414 - Km423) tuyến đường sắt Thống nhất (85 triệu USD); Dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, đoạn Tân Phú - Liên Khương (442 triệu USD); Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đoạn Tân Thành - Vũng Tàu (222 triệu USD). “Để đẩy nhanh tiến độ các dự án này, đề nghị Chính phủ Hàn Quốc cử đoàn thẩm định khoản vay và cho ý kiến về khả năng tài trợ các dự án”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đề nghị.

Thứ trưởng Kim Kyung - Hwan cảm ơn đánh giá tốt đẹp của lãnh đạo Bộ GTVT Việt Nam đối với các DN Hàn Quốc và đề nghị Bộ GTVT Việt Nam có văn bản chính thức để xem xét kỹ lưỡng và thúc đẩy tiến độ các dự án sử dụng vốn Hàn Quốc nêu trên. Các DN Hàn Quốc mong được tạo điều kiện tham gia chuyển giao công nghệ đường sắt tốc độ cao cho Việt Nam. Tháng 12/2015, Viện Đường sắt Hàn Quốc sẽ tổ chức hội thảo về công nghệ đường sắt tốc độ cao tại Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, hội thảo là cơ hội tốt để DN Việt Nam và Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm, phát triển công nghệ đường sắt tốc độ cao. Mạng đường sắt đô thị, Hà Nội và TP HCM đang xây dựng khoảng 8 tuyến. Các dự án này huy động từ nhiều nguồn vốn khác nhau, trong đó có ODA. Các nguồn vốn này đều tổ chức đấu thầu quốc tế, đề nghị các nhà thầu Hàn Quốc tham dự...

* Trước đó, sáng 3/11, đoàn công tác Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường dẫn đầu đã có buổi họp song phương với Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch (MLIT) Nhật Bản do Thứ trưởng Toru Doi dẫn đầu.

Tại buổi họp, Thứ trưởng Toru Doi cho biết, DN Nhật Bản mong muốn hỗ trợ Việt Nam thực hiện dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Hà Nội - Bắc Giang.

Thứ trưởng Toru Doi cũng đề cập đến việc làm hài hòa, kết nối hai hệ thống giao thông thông minh tại khu vực phía Bắc và TP HCM.

Dự án CHK quốc tế Long Thành cũng là mối quan tâm của cộng đồng DN Nhật Bản. Trên cơ sở mối quan hệ sẵn có, các DN Nhật đề nghị hai bên tiếp tục hợp tác nghiên cứu khả thi dự án CHK quốc tế Long Thành.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, những vấn đề MLIT trao đổi ở trên, Bộ GTVT Việt Nam cũng đã có những nghiên cứu cụ thể. Theo quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới đường bộ, Việt Nam sẽ xây dựng hơn 2.250 km đường bộ cao tốc vào năm 2020. Tính tới thời điểm này, Việt Nam mới hoàn thành xây dựng được gần 700 km đường bộ cao tốc và đang triển khai thi công 500 km đường cao tốc. Vì thế, Việt Nam mong muốn Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ vốn ODA xây dựng các tuyến cao tốc Bắc - Nam, Bến Lức - Long Thành.

Về CHK quốc tế Long Thành, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản làm việc với JICA để bố trí vốn và đơn vị có thể hợp tác với Việt Nam trong việc nghiên cứu khả thi dự án này.

Nguồn: Báo Giao thông